PHÉP LẠ HOÁ BÁNH

Một câu chuyện trong Tin Mừng thường hay được kể, chẳng có gì vòng vo mà cũng chẳng có gì khó hiểu: Phép lạ hoá bánh.Chuyện xẩy ra một nơi hẻo lánh nào đó ở Ga-li-lê-a. Nhiều người quây quần quanh  Đức Giê-su. Có lẽ họ say mê nghe Ngài giảng. Bỗng dưng trời đổ chiều, mà chẳng ai  để ý. Các môn đệ yêu cầu Ngài bảo dân ai nấy trở về làng mình, bởi vì ở đây chẳng có của ăn cho họ và cũng chẳng có chợ búa nào gần cả.  Đức Giê-su điềm nhiên trả lời: “Cho họ ăn”.Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nghĩa là có sẵn bảy đơn vị. Sách viết: “và Ngài cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, nói lời ngợi khen, rồi bẻ bánh trao cho các môn đồ. Nhờ đó mọi người được no nê, năm ngàn người đàn ông và một số đàn bà và con trẻ. Khi nhặt những mảnh bánh dư, người ta còn chất đầy đúng 12 giỏ”.

Câu chuyện có hai chiều kích, vừa sự kiện vừa ý nghĩa biểu trưng. Người ta chờ đợi thời của đấng Messias, chờ đợi phép lạ Manna tái xuất hiện. Người ta tin rằng, đấng Cứu thế sẽ cho họ ăn, và bánh sẽ chính từ trời rơi xuống.

 Đức Giê-su giờ đây có í muốn chuyển phép lạ Manna lên một chiều kích khác. Đó là Thánh Thể. Với bánh của chính thân xác Ngài, và bánh đó sẽ tiếp tục hoá ra thêm mãi suốt dòng lịch sử cho tới ngày nay. Bánh đó có thể được phân chia mãi, không bao giờ hết.

Qua phép lạ Manna mới đó,  Đức Giê-su muốn diễn lại cảnh Manna cũ, đồng thời có í dẫn tới một cái gì hoàn toàn khác, có thể nói khiêm tốn và đòi hỏi hơn. Về chiều sâu, đây mới là phép lạ lớn hơn nhiều. Cái lớn đó cũng nằm nơi việc không phải là bánh từ trời rơi xuống, nhưng là việc con người cùng chia sẻ cho nhau.Phép lạ đó mở ra một viễn tượng nhiều ý nghĩa cho cuộc sống con người và tương lai Giáo Hội. Câu chuyện đó đồng thời cũng gây phân rẽ nơi con người. Một số người coi Ngài đúng là vị Messias, muốn đẩy Ngài lên ngai vua và ép Ngài vào con đường chính trị. Và vì Ngài từ chối làm chuyện đó nên giờ đây lại có dư luận bảo Ngài chẳng phải là Messias. Từ giây phút đó có sự phân rẽ đôi đường: kẻ thì chống, người thì đi theo Ngài vào khổ nạn.

Câu chuyện có thật hay chỉ là một biểu tượng?

Ngày nay, nhiều nhà chú giải tin vào định luật thiên nhiên, cho rằng chuyện đó không thể xẩy ra, và bảo đó chỉ là biểu tượng. Thực tế thì câu chuyện có một nội dung biểu trưng rất lớn. Nhưng chúng ta cũng đừng vội hạn chế khả năng vô lường của Chúa. Trong Giáo Hội cũng đã có những chuyện tương tự.

Vừa rồi tôi tới Turin, và một linh mục dòng già kể cho tôi nghe về hai sự kiện lạ lùng đã xẩy ra trong đời thánh Don Bosco. Một lần vì sơ suất người ta đã không làm phép đủ bánh thánh. Khi cho rước lễ, chỉ còn cỡ mười tới hai mươi bánh thánh cho một khối vô cùng đông người trẻ. Don Bosco chẳng nao núng gì, ngài bảo “Cứ an tâm phân phát, có đủ cho mọi người”. Và ai cũng nhận được Mình Thánh.

Lần khác, sau một ngày làm việc mệt nhọc, ngài hứa cho đám trẻ con ăn hạt dẻ khô. Ngài bảo mẹ chuẩn bị dẻ dùm. Nhưng bà mẹ hiểu sai, chỉ rang đủ dẻ cho độ một chục đứa trẻ mà thôi. Khi nhận ra lầm lẫn của mỉnh, bà mẹ hốt hoảng. Nhưng ngài bảo: “Mẹ đừng lo, cứ phân phát cho chúng, không những đủ mà còn có dư để chúng mang về nữa”. Và quả thật như vậy. Có rất nhiều người đã chứng kiến những chuyện đó.

Vì thế, ta không nên cản ngăn Chúa làm những việc mà thường ra không thể xẩy ra nổi.